Đừng thờ ơ với nước làm mát động cơ ô tô

Đừng thờ ơ với nước làm mát động cơ ô tô

Vai trò của nước làm mát động cơ ô tô

Trong quá trình vận hành xe, nhiên liệu bị đốt cháy trong xi-lanh động cơ sẽ sinh ra một lượng nhiệt lớn. Chỉ một phần trong số đó được chuyển hóa thành công, phần còn lại sẽ tỏa ra không khí và tiếp xúc với các chi tiết máy. Nhiệt lượng còn được sinh ra do ma sát bề mặt giữa các chi tiết khác của động cơ. Nhiệt độ tăng quá cao sẽ tác động xấu đến khả năng vận hành, làm giảm tuổi thọ của động cơ, thậm chí gây ra cháy nổ. 

Do vậy, nước làm mát động cơ ô tô đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp động cơ vận hành chính xác bằng cách loại bỏ nhiệt lượng dư thừa, giảm tình trạng nóng máy và tắt máy đột ngột. Chất lượng nước làm mát sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của hệ thống làm mát. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều tài xế chỉ chú ý đến các vấn đề như dầu nhớt mà chưa dành sự quan tâm đúng mức đến nước làm mát động cơ ô tô.


Thường xuyên kiểm tra nước làm mát động cơ ô tô để đảm bảo xe vận hành tốt, giảm thiểu rủi ro

Thay nước làm mát động cơ ô tô khi nào?

Nước làm mát cần được kiểm tra thường kiểm tra thường xuyên để đảm bảo luôn duy trì ở mức giữa vị trí “Full” và “Low” khi động cơ nguội. Tuy nhiên, nhiều người chỉ kiểm tra xem mực nước làm mát có hao hụt không để thêm vào mà không quan tâm đến chất lượng dung dịch. Mặc dù mực nước vẫn ở mức cần thiết nhưng nếu để quá lâu, nồng độ Etylene Glycol xuống thấp, dung dịch làm mát sẽ bị axit hóa, ăn mòn các linh kiện trong hệ thống. Sự tích tụ axit, rỉ sét và các chất bẩn khác sẽ làm giảm khả năng chống đông, chống sôi của dung dịch. 

Do vậy, nếu không có gì bất thường, các nhà sản xuất khuyến cáo người dùng nên thay nước làm mát động cơ ô tô sau 160.000 km đầu tiên. Những lần thay tiếp theo sẽ được thực hiện sau mỗi 50.000 km. Xe cũ và các loại xe chuyên chở, tải nặng cần được thay nước làm mát thường xuyên hơn để đảm bảo động cơ vận hành tốt, giảm thiểu rủi ro. Nếu động cơ của bạn đột nhiên nóng hơn bình thường, nước làm mát không đủ hoặc kém chất lượng có thể là một nguyên nhân cần lưu ý.

Chọn nước làm mát phù hợp với động cơ 

Nước làm mát động cơ ô tô có nhiều loại khác nhau. Sự khác biệt này là do thành phần hóa học của chất lỏng gốc và các phụ gia ức chế sự ăn mòn. Màu xanh lá cây là đặc trưng của nước làm mát thế hệ cũ. Nước làm mát thế hệ mới có màu xanh lam, đỏ, cam, vàng được sử dụng phổ biến hơn nhờ ưu điểm thân thiện với môi trường. 

Cần chọn loại nước làm mát động cơ ô tô phù hợp với "xế cưng" của bạn. Ví dụ, các loại động cơ của Toyota thường sử dụng dung dịch màu đỏ. Đối với động cơ diesel có nút bằng chất liệu silicon, không nên sử dụng loại nước màu vàng vì axit hữu cơ sẽ ăn mòn các nút này sau khi xe chạy được 130.000 - 160.000 km. Nước làm mát qua các khe hở lọt vào hệ thống bôi trơn sẽ làm hư hỏng động cơ. Lưu ý, tuyệt đối không trộn lẫn các loại dung dịch với nhau. 

Dung dịch làm mát động cơ cần được pha với nước cất theo tỉ lệ 6:4. Pha quá đặc hoặc quá loãng đều sẽ có thể làm giảm chất lượng chất làm mát và các bộ phận của hệ thống. Trong trường hợp khẩn cấp, có thể sử dụng nước đun sôi để nguội để thay thế nước cất nhưng sau đó cần thay lại dung dịch chuẩn ngay khi có thể. 

Các chất làm mát gốc Etylene Glycol có tính độc. Chất làm mát tuần hoàn trong động cơ đã tiếp xúc với nhiều kim loại, do vậy, nước làm mát phế thải được coi là chất độc hại, không được để gần người và động vật. Việc xử lý nước làm mát phế thải phải tuân theo các quy định về môi trường.