Trong số các nội thất hạng sang, người tiêu dùng Việt thường ưa chọn nội thất da hơn cả, bởi chất liệu này cho cảm giác khá sang trọng, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông và đặc biệt là dễ vệ sinh hơn nỉ. Tuy nhiên, có một sự thật là nội thất da tuy dễ lau chùi nhưng lại khó bảo quản về lâu dài hơn so với các dạng nội thất bình thường. Nếu không chăm sóc kĩ, lớp da sẽ trở nên mất độ bóng, bong tróc, nổ, kèm theo đó là chi phí sửa chữa hoặc thay mới vô cùng đắt đỏ.
► Có thể bạn quan tâm: Lựa chọn vật liệu thay thế da bọc nội thất xe ô tô
Chính bởi nguyên nhân này, nhiều chủ xe luôn phải vô cùng vất vả, thậm chí không dám ăn uống trên xe chỉ để giữ cho nội thất không bị bẩn. Đặc biệt là khi thời tiết trở nên nắng mưa thất thường, những câu hỏi về việc có nên "phi" cả giày lấm đất bẩn lên thảm sàn da hay việc độ ẩm không khí liệu có khiến da bị mốc sẽ ám ảnh chủ xe cả ngày lẫn đêm. Dù thực tế, việc làm sạch và chăm sóc nội thất xe hơi da hoàn toàn có thể thực hiện được chỉ thông qua những mẹo nhỏ sau đây.
Mẹo bảo quản nội thất xe hơi bằng da từ A đến Z
Dưới đây, Banxehoi.com sẽ giới thiệu cho bạn đọc những mẹo chăm sóc các bộ phận da trên ô tô để ngăn chúng khỏi nguy cơ nấm mốc, bong tróc trong 365 ngày.
1. Ghế da
Đối với ghế da, bạn cần tuân thủ những nguyên tắc chăm sóc như sau:
+ Luôn hút bụi trước: Trước khi vệ sinh, cần dùng máy hút bụi hút hết bụi bẩn và rác trong các khe hở của ghế. Chú ý ngả ghế xe ra sau để có thể hút được sạch nhất. Bạn cấn để ý đến các góc, nơi tựa lưng và mặt tiếp xúc của ghế.
+ Bảo quản ghế xe trong mùa nắng nóng: Cần dùng các loại xà phòng có độ kiềm thấp có thể kể đến như dầu rửa bát để lau chùi cho ghế, sau đó lau sạch lại bằng nước và khăn khô. Hoàn thành quy trình, hãy dùng các loại sáp bôi da để giúp bề mặt da được mềm, bóng, không xuất hiện vết nứt hay nhăn nheo. Quy trình dưỡng da cho ghế càng cần được gia tăng trong mùa nóng vì đây là thời điểm da dễ bị giảm chất lượng nhất do ánh sáng mặt trời. Trong trường hợp nhà bạn có kem cạo râu thì đó cũng là một sự lựa chọn khá tốt.
► Xem thêm: Các bước làm sạch ghế da ô tô
+ Bảo quản ghế xe trong mùa mưa bão: Trong trường hợp bạn đi mưa về, khiến cho ghế xe bị ẩm ướt thì có khả năng da sẽ nhanh bị cứng. Lúc này, cần chú ý không sấy xa bằng máy sấy, rất dễ khiến da bị nứt. Bạn hãy tranh thủ khi hết mưa để phơi bọc ghế ở nơi thoáng gió. Ngoài ra, cần chú ý bôi sáp dưỡng cho ghế da vài lần mỗi mùa.
Cần chú ý lau chùi ghế da thường xuyên để nâng tuổi thọ của ghế
+ Chú ý loại xi dưỡng da: Cần chọn màu xi đánh bóng da phù hợp với màu ghế, nếu không sẽ trở nên "chữa lợn lành thành lợn què" làm mất đi màu da tự nhiên của ghế.
+ Xử lý ghế da bị mốc: Nếu ghế da lỡ bị mốc, hãy dùng vải sạch tẩm dầu thông để chùi. Còn trong trường hợp vết mốc quá sâu, chùi không hết thì bạn cần đưa xe đến các tiệm bảo dưỡng, chăm sóc nội thất xe hơi bằng da, hoặc tự mình đánh giấy nhám lên ghế cho bay mốc. Dù vậy, cách này dễ khiến ghế xe bị bay màu nên không được khuyến cao quá nhiều.
► Xem thêm: Hướng dẫn vệ sinh ghế da đúng cách
2. Bao chìa khóa bằng da
Dù cùng chất liệu bằng da nhưng bao chìa khóa bằng da lại đòi hỏi sự tỉ mỉ của chủ xe nhiều hơn. Cụ thể:
+ Rửa tay trước khi cầm bao chìa khóa da: Để giữ tuổi thọ cho bao da, bạn nên tạo thói quen rửa tay trước khi lái xe, nguyên nhân là bởi nếu tay bạn có quá nhiều mồ hôi và chất nhờn thì sẽ khiến bao da dễ bắt bụi hơn. Về lâu dài, ở các vị trí bạn hay chạm tay rất dễ bị đổi màu, bong tróc tạo nên diện máu loang lổ khá cũ kĩ, kể cả khi bao da vốn thường rất khó hỏng.
+ Cắt bớt móng tay: Ngoài ra, một lưu ý nữa là bạn nên cắt bớt móng tay khi sử dụng bao da. Bởi lẽ nhiều loại bao da được thiết kế đựng chìa khóa sẽ có các nút bấm ẩn bên ngoài, giúp cho chủ xe không cần tiếp xúc trực tiếp vào chìa vẫn có thể gọi được xe. Vậy nên, lớp da sẽ là hơi trung gian nhận lực ấn, thường sẽ là vị trí dễ bị cũ, rách hơn cả. Việc cắt móng tay sẽ giúp bạn tránh nguy cơ làm đứt phần da trên nút bấm.
Không nên nhét hỗn hợp cả chìa khóa ô tô lẫn chìa khóa thường trong bao da
+ Không nên cố nhét chìa khóa vào bao da không vừa vặn: Trên thị trường có khá nhiều loại bao da, loại được thiết kế riêng cho 1 dạng chìa khóa hoặc dạng hình hộp dành cho mọi loại chìa. Dạng hình hộp thường đẹp và khá bắt mắt, tuy nhiên đôi khi nó lại không vừa vặn lắm với một số loại chìa khóa đặc thù quá khổ. Tuy nhiên, nhiều chủ xe vẫn cố mua, điều này là không nên. Cần nhớ rằng, bản thân chiếc bao chìa khóa đã rất nhỏ, việc cố gắng nhồi nhét sẽ khiếp lớp da bị phồng, dễ nứt, đồng thời gây sứt đường chỉ, làm giảm độ bền bao da.
+ Tránh để chung chìa khóa nhà và chìa khóa ô tô: Ai hay dùng đồ da đều biết rằng, chìa khóa hay các vật sắc nhọn chính là khắc tinh của đồ da. Trường hợp này cũng tương tự, nhiều chủ xe có thói quen để chung bao da đựng chìa khóa ô tô chung với chìa khóa nhà. Điều này không những khiến cho chiếc chìa khóa ô tô (dù đã được bảo vệ) vẫn rất dễ va đập lung tung, lại vừa khiến bao da của bạn có thêm đôi ba vết rạch. Vậy nên lời khuyên là bạn không nên để chung 2 loại chìa khóa với nhau. Đối với phụ nữ thì càng chú trọng điều này, bạn nên để riêng chìa khóa ô tô ở 1 ngăn trong túi xách, thay vì để nó giữa một đống mĩ phẩm, đồ dùng và chìa khóa nhà.
3. Vô-lăng da
Cần lau chùi vô-lăng da thường xuyên
Vô-lăng là khu vực thể hiện sự cũ mới rõ ràng nhất trong cabin xe, bởi lẽ đây là vị trí mà chủ xe nào cũng phải cầm nắm mỗi ngày. Chính vì tần suất sử dụng quá nhiều nên vô-lăng thường xuyên bị bụi bẩn, dầu từ tay bám vào, gây xỉn màu hay nguy hiểm hơn là trở nên trơn, gây nguy hiểm trong quá trình lái. Điều cần chú ý trong việc bảo quản vô-lăng da là cần vệ sinh thường xuyên hơn các khu vực khác trên xe.
Ngoài ra, khi tiến hành lau chùi cần sử dụng chất làm sạch da chuyên dụng và các hóa chất chuyên dùng cho chăm sóc nội thất da xe hơi. Dòng sản phẩm này thường được chia làm dạng chất tẩy và dạng làm khô riêng, nên khi sử dụng cần xem thật kĩ và thực hiện đúng quy trình.
4. Thảm da
Thảm da là một trong những vị trí được cho là khó chăm sóc trên xe, bởi nó hứng chịu bụi bẩn, bùn đất cũng như là vị trí tiếp xúc với rác nhiều nhất. Để giữ tuổi thọ thảm trải sàn xe bằng da, bạn cần tuân thủ một số điều sau:
+ Vệ sinh thảm trung bình 3 tuần/lần: Tần suất vệ sinh thảm da thường nhiều hơn các vị trí khác. Trước khi vệ sinh, bạn nên quét qua bằng chổi nhựa loại mềm, sau đó mới dùng khăn ướt để lau sàn. Cần chú ý nếu xe có vết loang thì nên dùng hỗn hợp 2 phần bột giặt, 1 phần kem đánh răng để chải sạch, sau đó phơi ở nơi khô thoáng.
Trong trường hợp thảm của bạn dính những vết bẩn quá sâu hay quá bết (vết nước ngọt trên sàn, phết trên là bùn và bụi bẩm từ gót giày, hoặc vết nôn) thì nên tiến hành vệ sinh thảm ngay khi dừng xe, thay vì tuân thủ quy trình 3 tuần/lần như trước.
Phụ nữ nên hạn chế đi giày cao gót trên sàn da
+ Tránh đi giày cao gót: Đối với chủ xe là phụ nữ, bạn nên tránh sử dụng giày cao gót quá thường xuyên. Gót nhọn từ giày có thể làm thủng hay nứt thảm da, đặc biệt ở các vị trí như thắng hay chỗ để chân. Ngoài ra, việc đeo giày cao gót lái xe cũng dễ gây ra một số vấn đề mất an toàn và thường được khuyến cáo là không nên.
► Có thể bạn quan tâm: Hướng dẫn cách làm sạch nội thất da lộn và da Alcantara