Những lưu ý khi sử dụng ô tô dịp tết

Những lưu ý khi sử dụng ô tô dịp tết


Những lưu ý khi sử dụng ô tô dịp tết

Những dịp lễ tết, tần suất sử dụng ô tô đi lại gia tăng so với ngày thường. Đây cũng là lúc chiếc ô tô của bạn bất ngờ "giở chứng" nếu không được chăm sóc bảo dưỡng thường xuyên. Do đó, ngoài việc đem xe đi chăm sóc, bảo dưỡng... người sử dụng ô tô nên “bỏ túi” một số kỹ năng cơ bản nhằm tự thân vận động giải quyết các trường hợp không may như: lốp thủng, ắc quy yếu hay đèn pha không đủ sáng...

Thay lốp, kiểm tra áp suất lốp

Việc thay thế lốp được coi là một kỹ năng cơ bản của người sử dụng ô tô, thế nhưng thói quen “phó mặc” việc khắc phụ sự cố này cho các garage, trạm dịch vụ sửa chữa khiến nhiều người,nhất là đối với tài xế nữ không ít lần rơi vào tình huống “dở khóc, dở cười” bởi chiếc lốp xe. Hãy nhớ rằng, tại Việt Nam, không phải lúc nào bạn cũng tìm được chỗ thay thế lốp ô tô. Đặc biệt, những ngày lễ Tết, đa số các trạm dịch vụ, sửa chữa ô tô thường đóng cửa. Trong trường hợp phải di chuyển đường dài và không may lốp ô tô gặp sự cố, việc gọi cứu hộ không chỉ làm gián đoạn hành trình mà còn làm mất nhiều thời gian.

Để nhanh chóng giải quyết những sự cố liên quan đến chiếc lốp ô tô, bạn nên kiểm tra trước khi bắt đầu cuộc hành trình. Theo đó, bạn nên trang bị đầy đủ lốp dự phòng, dụng cụ tháo lắp lốp, kích bánh... Thông thường nhà sản xuất thường trang bị những vật dụng này kèm theo mỗi chiếc ô tô. Đối với các mẫu sedan, khoang hành lý sẽ là nới chứa lốp dự phòng và dụng cụ thay lốp. Nhưng các mẫu xe SUV, bán tải thì lốp dự phòng thường được treo phía dưới gầm sau của xe. Hãy đọc kỹ hướng dẫn cách thay lốp xe, nắm vững những bước cơ bản về việc dừng xe, sử dụng kích nâng tháo lốp xe... Ngoài ra, bạn nên trang bị thêm thiết bị kiểm tra áp suất lốp nhằm đảm bảo đúng tiêu chuẩn mà nhà sản xuất gợi ý. Thông thường, những thông tin về áp suất lốp xe được dán ở vị trí phía trong cánh cửa.

Xử lý khi ô tô bị hết ắc quy

Đây cũng là sự cố thường gặp đối với các tài xế mới khi sử dụng ô tô. Việc không kiểm tra, theo dõi thường xuyên tình trạng của bộ phận này cùng với thói quen sử dụng ô tô không đúng cách dễ làm cho bình ắc-quy gặp sự cố nếu bình ắc-quy yếu do việc sử dụng điều hòa, radio cùng đèn xe nhưng lại không để máy nổ, khiến bình nhanh hết điện.

Để giải quyết vấn đề này, bạn hãy chuẩn bị sẵn bộ dây cáp câu bình trong xe. Dây câu bình ắc-quy ô tô thường có 2 màu: dây màu đen nối cọc âm (-) và màu đỏ để nối cọc dương (+). Trong trường hợp xe của bạn không khởi động được do bình ắc quy yếu, hãy cố gắng đẩy xe vào lề đường và phát tín hiệu xin trợ giúp của những xe đi đường. Đỗ hai xe đối đầu với nhau để dễ câu bình hơn, mở nắp capô. Tắt những thiết bị điện như radio, DVD, đèn và máy lạnh. Nối cực (+) của ắc qui hết điện cùng với cực (+) của ắc qui mồi trên xe trợ giúp. Không để các đầu kẹp chập vào nhau bởi chúng gây nẹp lửa. Sử dụng dây câu nối cực (-) từ ắc quy mồi vào bất kỳ miếng tấm kim loại nào của khoang động cơ xe hết điện, lưu ý là không nối trực tiếp vào cực âm (-) trên ắc quy hết điện. Việc này có thể làm đánh lửa và gây nổ. Hãy khởi động xe trợ giúp, rồi khởi động xe của bạn để “mồi bình”. Sau khi xe đã khởi động xong, nên giữ từ 3 - 5 phút để ắc quy nạp trước khi tháo những đầu cáp.

Xử lý khi đèn pha thiếu sáng

Đèn pha được coi là thiết bị quan trọng bởi chúng được ví như “đôi mắt” của chiếc ô tô. Do đó, khi sử dụng ô tô bạn nên nắm vững những kỹ năng về việc kiểm tra hoặc thay thế bóng đèn pha. Nhằm đảm bảo độ sáng của đèn, bạn hãy giữ cho vỏ đèn được sạch sẽ, không phủ những vật che chắn lên cụm đèn trước trong khi đang bật đèn.

Ngoài ra, để không bị rơi vào cảnh phải đỗ xe bên đường chờ trời sáng khi đèn pha không may bị cháy bóng, bạn nên chuẩn bị sẵn một cặp bóng đèn trong xe. Khi phát hiện đèn pha không cung cấp đủ độ sáng hoặc 1 trong 2 bóng đèn không sáng, bạn nên đỗ xe vào lề đường và thay thế bóng đèn. Lưu ý, cấu tạo mỗi đèn pha của xe là khác nhau, do đó phải đọc kỹ sách hướng dẫn để nắm vững các bước tháo, lắp hệ thống đèn pha.