Một chiếc ô tô "mới toanh" hay đã qua nhiều năm sử dụng đều có những vấn đề khiến bạn đau đầu. Xe ô tô mới sẽ có mùi nhựa, mùi da hơi nồng và khó chịu. Ngược lại, một chiếc xe cũ có thể bị "ám" hàng chục thứ mùi, từ ẩm mốc, mùi thức ăn đến mùi thuốc lá, nước hoa... Nhiều người sử dụng các phương pháp "cấp cứu" như đặt hoa quả có mùi thơm, treo túi trà hoặc cafe hay đầu tư một máy khử mùi ô-zôn. Tuy nhiên, các cách này khá tốn kém và chỉ mang tính chất khắc phục, không giải quyết tận gốc vấn đề.
Dưới đây là 5 mẹo đơn giản trong chăm sóc và bảo dưỡng xe ô tô bỏ túi cho bạn:
Dùng nước gừng để khử mùi nội thất
Phương pháp rẻ tiền này có thể khiến bạn phải ngạc nhiên về hiệu quả của nó. Những vết bẩn lâu ngày, mùi hôi từ ẩm mốc sẽ bay hoàn toàn chỉ nhờ nước gừng. Cách thực hiện rất đơn giản: Trước khi khử mùi nội thất, bạn cần dọn dẹp rác bẩn sạch sẽ. Lấy một củ gừng tươi đập dập, đun cùng với nước sạch. Khi nước giảm nhiệt độ còn khoảng 50 độ, bạn dùng khăn mềm sạch nhúng vào nước gừng, vắt ráo và lau toàn bộ các chi tiết trong nội thất. Bạn cần tập trung lau kỹ các khe, kẽ trên các bộ phận sau: Nệm ghế, vô lăng, bảng táp-lô, tay cầm thậm chí cả sàn xe vì đó là những nơi tích tụ bẩn và vi khuẩn nhiều nhất trên xe.
Khi chiếc khăn nguội, bạn giặt sạch nó và nhúng vào nước gừng ấm để tiếp tục lau. Đến khi các bộ phận đều được lau sạch sẽ, bạn có thể bật điều hòa hoặc mở tất cả các cửa để hong khô nội thất. Nước gừng không chỉ giúp đánh bật vết bẩn mà còn làm sạch không khí, sau khi nội thất khô, bạn có thể cảm nhận được mùi hương rất dễ chịu.
Những chú ý khi rửa xe
Thông thường, thân xe sau khi rửa chỉ được lau khô băng khăn vải, mà không được xịt khô. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến nước ứ đọng tại các chi tiết khe kẽ, như mép kính, hốc bu-lông, lưới tản nhiệt dẫn đến bắt bụi và tạo mảng bám bẩn rất chắc, ảnh hưởng đến thẩm mỹ của chiếc xe. Do vậy, bạn cần xịt khô hoặc lau sạch các chi tiết này để đảm bảo chúng không còn đọng nước, đặc biệt trong các hốc bu-lông trên la-zăng.
Một bộ phận quan trọng khác nhưng hay bị quên làm sạch là cụm phanh. Bụi bẩn lọt giữa má phanh và đĩa phanh có thểlàm giảm hiệu quả phanh, gây xước đĩa và ăn mòn má phanh. Do vậy, khi rửa xe bạn cần xịt nước để làm sạch thật kỹ chi tiết này.
Xem thêm: 4 bộ phận không thể bỏ qua khi chăm sóc, bảo dưỡng xe ô tô
Chăm sóc và bảo dưỡng ô tô sau khi đi mưa
Đừng nghĩ rằng nước mưa là nước sạch. Nhiều chi tiết trên xế yêu của bạn sẽ bị ăn mòn và hoen rỉ rất nhanh chỉ vì để ngoài mưa, do nước mưa chứa nhiều chất bẩn và thậm chí cả một lượng a-xít nitơric hay a-xít sunfuaric. Vì thế, bạn cần rửa xe thật kỹ sau khi đi mưa.
Chăm sóc và bảo dưỡng kính lái
Nước rửa kính hay cần gạt chỉ phát huy tác dụng khi kính ít bám bụi. Trong trường hợp bạn đỗ xe dưới gốc cây, lá và hoa có thể rụng đầy mặt kính, bạn cần dọn qua chúng trước khi sử dụng cần gạt. Theo chia sẻ của những người nhiều năm kinh nghiệm chăm sóc và bảo dưỡng xe ô tô, khi di chuyển tại những cung đường nhiều bùn lầy, kính lái có thể bị bắn bẩn, lúc này, bạn sử dụng cần gạt sẽ phản tác dụng do không những chà xát bùn bẩn gây xước kính, mà còn làm hỏng lưỡi cao su trên cần gạt và mô-tơ điều khiển hệ thống gạt mưa.
Chăm sóc và bảo dững xe ô tô khi trời nắng
Khi bạn đỗ xe dưới trời nắng to, ánh nắng chiếu vào cửa sổ khiến nhiệt độ trong xe tăng cao, cao hơn nhiều so với nhiệt độ ngoài trời. Nhiều chi tiết nội thất có thể bị bạc màu và hỏng rất nhanh, đặc biệt các chi tiết nhựa và bọc da. Tuy nhiên, vấn đề chọn chỗ đỗ xe không phải là điều đơn giản, trong trường hợp buộc phải đỗ xe dưới trời nắng, nếu điều kiện an ninh tốt (sân nhà, sân cơ quan, có người trông coi), bạn có thể mở hé kính xe để thông gió, sử dụng tấm bạt hoặc áo chùm chống nóng.