Quên hạ phanh tay
Quên hạ phanh tay là lỗi khá phổ biến đối với những người mới lái xe
Quên hạ phanh tay là lỗi khá phổ biến đối với các lái xe nhất là các tài mới. Liên quan đến vấn đề này thường có hai trường hợp là quên hạ phanh tay hoặc hạ phanh tay không hoàn toàn khiến phanh vẫn ăn nhưng rất nhẹ.
Hệ thống má phanh dừng (phanh tay) của các loại ô tô hiện nay phần lớn đều sử dụng loại phanh đĩa hoặc tăng-bua được thiết kế độc lập hoặc kết hợp với hệ thống phanh chính nhưng vẫn nằm trong cụm phanh sau. Khi tài xế quên hạ phanh tay hoặc hạ chưa hoàn toàn thì má phanh vẫn còn sát vào tăng-bua hoặc đĩa phanh. Khi xe chạy, ma sát lớn giữa má phanh và tăng-bua hoặc đĩa phanh sẽ sinh ra nhiệt rất lớn làm cho má phanh có thể bị cháy. Ngoài ra, mỡ bôi trơn bi moay-ơ và phớt bị đốt nóng sẽ chảy ra và gây hỏng rất nhanh. Hệ thống chống bó cứng phanh ABS gắn trên cụm phanh cũng có nguy cơ bị hỏng đồng thời phanh dầu bị sôi cũng làm giảm tác dụng của phanh.
Quên lịch thay dầu
Ở Việt Nam, chủ xe nên thay dầu sớm hơn khuyến cáo của các hãng sản xuất
Các hãng sản xuất xe thường khuyến cáo người dùng tùy vào loại dầu khác nhau mà nên thay dầu bôi trơn động cơ sau mỗi 5.000km hoặc 10.000km hoặc từ 3 tháng hoặc 6 tháng (tùy theo điều kiện nào đến trước). Tuy vậy, trong điều kiện đường phố đông đúc ở các đô thị Việt Nam, xe ô tô thường phải di chuyển với tốc độ không đồng đều thì thời gian thay dầu cũng cần phải sớm hơn mức khuyến cáo trên. Nếu không được thay đúng thời gian phù hợp, dầu trong động cơ có thể bị biến chất, bị cháy, thành chất sền sệt như bùn hay như muội than. Cặn dầu cháy sẽ bám vào các chi tiết máy làm bó máy. Đặc biệt, cặn dầu có thể bám vào xéc-măng dầu gây kẹt xéc-măng, hở buồng đốt khiến cho động cơ có khói dầu và nếu nặng thì động cơ còn không thể vận hành.
Đổ nhầm nhiên liệu
Đổ nhầm nhiên liệu thường gây ra những hậu quả vô cùng nặng nề
Sự nhầm lẫn này thường ít xảy ra nhưng không phải là không có và nếu xảy ra thì hậu quả rất nghiêm trọng. Nếu động cơ máy xăng bị đổ nhầm bằng dầu thì tùy lượng xăng cũ còn lại trong bình nhiều hay ít mà xe có thể chạy được hay không. Nếu lượng xăng còn nhiều và lượng dầu đổ nhầm vào không đáng kể thì xe vẫn có thể chạy được nhưng không bốc còn nếu lượng dầu đổ nhầm vào quá nhiều thì xe sẽ không thể nổ được hoặc nếu có nổ được thì cũng dần lịm đi và chết máy.
Trong trường hợp nếu đổ nhầm xăng vào động cơ dầu thì tùy mức xăng đổ nhầm như thế nào mà hậu quả của sự nhầm lẫn này nặng hay nhẹ. Nếu lượng xăng đổ nhầm ít thì khi khởi động máy sẽ có tiếng gõ lóc cóc còn nếu lượng xăng đổ nhầm quá nhiều thì có thể sẽ khiến cho piston bị phá hỏng thậm trí là vỡ cả lốc máy.