Tiêu chuẩn đánh giá dầu nhớt động cơ

Tiêu chuẩn đánh giá dầu nhớt động cơ

Xét về phương diện kỹ thuật, 2 tiêu chuẩn để đánh giá dầu nhớt động cơ là độ nhớt và tính năng vận hành.

1. Độ nhớt

Độ nhớt là tính chất đặc hay lỏng của dầu nhớt, ảnh hưởng đến tính chất chuyển động của dầu nhớt. Độ nhớt được quy định theo tiêu chuẩn SAE J300 của Hiệp hội Kỹ sư Ô tô Mỹ. Theo tiêu chuẩn này, độ nhớt được phân ra làm 2 loại: đơn cấp và đa cấp.


Nhớt được phân ra làm 2 loại là đơn cấp và đa cấp

Độ nhớt đơn cấp là nhớt thích hợp sử dụng trong một mùa, bao gồm độ nhớt lỏng giúp động cơ dễ khởi động trong mùa đông như SAE 10W, SAE 15W và độ nhớt đặc hơn tăng khả năng chống mài mòn cho động cơ vào mùa hè như SAE 40, SAE 50.

Độ nhớt đa cấp là nhớt sử dụng được quanh năm, duy trì bảo vệ động cơ ở nhiệt độ cao, hỗ trợ động cơ khởi động ở nhiệt độ thấp, như: SAE 5W-30, SAE 10W-40, SAE 15W-40.

Hiện nay, dầu nhớt đa cấp được nhiều người ưa dùng. Việc lựa chọn độ nhớt đa cấp tùy thuộc vào khuyến cáo của nhà sản xuất động cơ và điều kiện thời tiết nơi sử dụng xe.

2. Tính năng vận hành

Tính năng vận hành là tiêu chuẩn đánh giá sự phù hợp của loại dầu nhớt đối với thiết kế và điều kiện hoạt động của động cơ. Tại Việt Nam, tiêu chuẩn đánh giá tính năng vận hành của dầu nhớt được chấp nhận rộng rãi là tiêu chuẩn API của Viện Dầu khí Mỹ.

Theo đó, API phân loại cấp tính năng “S” (Service) cho dầu nhớt động cơ xăng, cấp tính năng “C” (Commercial) cho dầu nhớt động cơ diesel. Phẩm cấp được phân loại tăng dần theo thứ tự chữ cái đứng sau chữ S hay C.

Cấp tính năng API của dầu nhớt động cơ xăng gồm có API SA, SB, SC, SD, SE, SF, SG, SH, SJ, SL, SM, SN. Với các động cơ ô tô hiện đại, dầu nhớt yêu cầu phải từ cấp API SJ trở lên.


Thay nhớt đúng định kỳ để động cơ hoạt động hiệu quả

Để động cơ xe làm việc hiệu quả, tiết kiệm chi phí sửa chữa, các chủ xe cần lưu ý thay dầu nhớt đúng định kỳ. Với điều kiện xe thường xuyên di chuyển trong thành thị, định kỳ thay nhớt thích hợp là 5.000 km hoặc 6 tháng sử dụng.