Thường thì những người sử dụng xe chỉ quan tâm giữ sạch vỏ xe và nội thất xe vì chúng giúp chiếc xe luôn giữ vẻ tươi mới và bền đẹp. Trong khi đó, khu vực khoang động cơ thường bị bỏ qua do khuất tầm nhìn. Thậm chí nhiều người còn cho rằng không nên làm sạch khu vực này vì có thể đụng chạm đến các chi tiết máy móc và gây ra hỏng hóc. Thực tế nếu không thường xuyên làm vệ sinh khoang động cơ sẽ dẫn đến nguy cơ trục trặc kỹ thuật, cháy nổ hoặc chuột bọ làm tổ…
Dưới đây là các bước tự vệ sinh khoang động cơ đơn giản giúp bạn bảo vệ bộ máy vận hành cho chiếc xe của mình:
Bước 1: Làm ấm động cơ bằng cách khởi động cho xe chạy không tải khoảng 1 phút. Chú ý không làm vệ sinh động cơ ngay sau khi vừa sử dụng xe vì có thể gây bỏng do quá nóng.
Bước 2: Loại bỏ các cáp cấp điện cho thiết bị đầu cuối trên ắc-quy .
Bước 3: “Niêm phong” các thiết bị và phần tiếp xúc điện như máy phát điện, bộ chia dây cao áp… để ngăn không cho nước xâm nhập vào. Bạn có thể sử dụng nilon và băng dính để bọc kín các chi tiết.
Bước 4: Dùng chổi sơn quét sạch bụi bẩn trên bề mặt động cơ, đặc biệt là những nơi bám nhiều bụi như hốc, khe nhỏ…
Bước 5: Trộn đều 2 muỗng bột giặt vào nửa xô nước để tạo thành dung dịch tẩy rửa.
Bước 6: Dùng bàn chải nhúng vào dung dịch tẩy rửa và cọ sạch các vị trí bám bụi bẩn, dầu mỡ xung quanh động cơ.
Bước 7: Dùng vòi nước áp suất cao xối thẳng vào khoang động cơ để loại bỏ xà phòng kèm chất bẩn. Tránh xối nước trực tiếp vào các đầu mối điện, điện tử, cổ hút gió.
Bước 8: Loại bỏ các ni-lông bọc tránh nước sau khi rửa sạch bọt xà phòng và mở nắp ca-pô chờ cho khoang máy khô. Nếu cẩn thận hơn, bạn có thể tiến hành “rửa khô” một lần nữa bằng máy phụt khí nén hoặc dùng chổi cọ/khăn lau nhúng xăng để lau sạch một số chi tiết, để khô tự nhiên cho xăng bay hết mùi.
Việc làm sạch khoang động cơ có thể hơi mất thời gian và yêu cầu tỉ mỉ hơn so với rửa bề ngoài thân vỏ nhưng có tác dụng rất lớn giúp kéo dài tuổi thọ động cơ và đảm bảo an toàn khi vận hành. Ngoài ra, trong quá trình rửa, bạn sẽ có thêm góc quan sát để tìm kiếm những vị trí dây buộc bị đứt nhằm sắp xếp hệ thống dây điện ngăn nắp hơn, tránh bị chuột cắn hoặc chập điện.