Khi nào bạn cần thay ắc quy xe?
Đây là một trong nhữngkinh nghiệm chăm sóc và bảo dưỡng ô tô bạn nên biết. Trên thực tế, ắc quy xe có nhiệm vụ là cấp điện cho starter và hệ thống phun nhiên liệu, từ đó giúp xe khởi động. Sau khi xe bắt đầu nổ máy, bộ phát điện sẽ hoạt động để cung cấp điện nạp ắc quy và các thiết bị chạy điện khác trong xe.
Thông thường, bạn có thể dùng đồng hồ đo điện đa năng, đo điện áp mạch hở và điện áp khởi động ắc quy là sẽ biết ắc quy đã cần thay thế chưa.
Lấy số đo “điện áp mạch hở”
Điện áp mạch hở có thể biểu hiện khả năng trữ điện của ắc quy. Để đo, bạn hãy làm theo quy trình sau:
- Loại bỏ tĩnh điện: Tuy ắc quy không phải là tụ điện nhưng cấu tạo của nó cũng tương tự, với nhiều bản kim loại song song, ngăn ngoài bởi lớp cách điện. Ắc quy cũng tích tĩnh điện như 1 tụ điện thông thường nếu nối với nguồn sạc. Để lấy số đo điện mạch hở chính xác, bạn cần loại bỏ tĩnh điện bằng cách bật công tắc điện qua nấc ACC và bật đèn pha trong 3 phút, sau đó cho ắc quy nghỉ 10 phút. Để đo, bạn nối Volt kế với ắc quy, dây đỏ với cực dương, dây đen với cực âm của ắc quy. Lúc đó, số đo hiện trên màn hình đồng hồ chính là “điện áp mạch hở”.
Với xe sử dụng ắc quy AGM, còn được gọi là ắc quy khô, ắc quy kín thì các thông số sẽ khác. Quan sát nếu điện áp mạch hở trên 12,8 Volt chứng tỏ ắc quy còn khả năng tích điện 100% và không cần bảo trì. Nếu điện áp mạch hở dưới 12,5 Volt, có nghĩa khả năng tích điện dưới 75%, cần thay ắc quy.
Với xe sử dụng ắc quy truyền thống, nếu điện áp mạch hở trên 12,6 volt thì có nghĩa ắc quy vẫn còn tốt, còn nếu điện áp mạch hở dưới 12,4 volt thì ắc quy đã cần thay.
Đặc biệt chú ý là trước khi quyết định bỏ ắc quy bạn cần sạc đầy ắc quy bằng máy sạc nguồn ở nhà và đo lại điện áp mạch hở một lần nữa, tránh trường hợp đo sai, gây lãng phí ắc quy.
Trên thực tế, việc đo điện áp mạch hở có thể cho ta biết ắc quy có chất lượng như thế nào. Nếu ắc quy còn mới, nạp đầy mà không khởi động được xe, bạn cần “kiểm tra tải động” của ắc quy.
Lấy số đo “điện áp khởi động”
Theo nguyên lí, điện áp khởi động là điện áp của ắc quy sau khi cấp điện cho starter được 3 giây và trước khi máy nổ. Muốn đo được “điện áp khởi động” bạn cần có thêm 1 người giúp đỡ. Trong đó, 1 người dùng Volt kế đo, 1 người đề máy. Khi chưa đề máy, đồng hồ hiện 12,8 volt, khi đề máy con số này sẽ giảm, số hiện ở giây thứ 3 trước khi máy nổ chính là “điện áp khởi động”.
Cần quan sát, nếu điện áp khởi động sụt xuống còn 9,5 volt ở nhiệt độ 21 độ C hoặc 9,3 volt ở 4 độ C, bạn chắc chắn cần thay ắc quy mới.
Ngoài ra, số đo điện áp hiện ra sau khi máy nổ là số volt của hệ thống phát điện sạc ắc quy. Thông thường, các đời ô tô cũ sử dụng ắc quy truyền thống sẽ có điện áp là 13,5 volt, còn xe đời mới sử dụng ắc quy khô thì điện áp thường là 14 - 14,8 volt (ở tua máy 2000 vòng/phút).
Bạn cần chú ý không đề máy quá 5 giây, rất không tốt cho ắc quy và starter (đây là một trong những kinh nghiệm sử dụng xe ô tô cơ bản mà bạn cần chú ý).
Tổng kết, nếu bạn muốn yên tâm tuyệt đối, hãy thay ắc quy mới ngay khi phát hiện 1 trong 2 số đo điện áp trên tụt xuống dưới định mức. Còn nếu bạn quan tâm đến chi phí thì hãy áp dụng một số mẹo bảo dưỡng ắc quy ô tô hiệu quả, đợi đến khi cả 2 chỉ số xuống dưới định mức mới cần thay ắc quy.