Cách che nắng thông thường cho xe
Khi đóng kín tất cả các cửa, không gian nội thất trong xe rất kín. Các vật liệu nhựa, da hay nỉ trong xe hấp thụ rất nhanh nhiệt độ từ mặt trời. Với sức nóng 40 độ C, hiện tượng hiệu ứng nhà kính sẽ khiến khoang xe của bạn đạt mức 60 độ chỉ sau 10 phút tắt máy. Với nhiệt độ này, những thiệt hại mà xe của bạn phải hứng chịu là không hề nhỏ. Các chi tiết nội thất xe nhất là Tablo sẽ mau chóng bị lão hóa, bạc màu sau nhiều lần phơi nắng. Da và nhựa trong xe bị lão hóa sẽ sinh ra những mùi khó chịu và chủ xe khó có thể xử lý triệt để được.
Để hạn chế những hư hại cho xe đồng thời có được không gian thoáng mát trong xe khi di chuyển, hầu hết các lái xe đều thực hiện các biện pháp che chắn cho xe khi dừng đỗ. Thông thường các xe du lịch đều sử dụng những tấm che nắng để gài lên cánh cửa và kính lái. Tuy vậy, những tấm che nắng này sẽ không mang lại hiệu quả cao khi bạn dừng đỗ lâu. Hơn nữa, các tấm gài sau kính cũng không triệt tiêu được lượng nhiệt đã bị hấp thụ qua kính.
Chùm bạt phủ kín xe khiến lượng nhiệt thẩm thấu không thoát ra ngoài được
Một biện pháp chống nắng khác được khá nhiều người sử dụng là trùm bạt phủ che kín cho xe. Biện pháp này khá cầu kỳ và che được toàn bộ xe. Tuy vậy, xe của bạn vẫn bị nóng như thường vì nhiệt năng thẩm thấu vào xe của bạn tuy có chậm hơn nhưng lại không có khả năng thoát ra ngoài ngay cả khi đã hết nắng. Thậm chí, việc bị ủ nóng lâu khi trùm bạt còn khiến cho khoang lái có mùi khó chịu.
Cách che chắn chống nắng cho xe được đánh giá là cho hiệu quả cao
Hiện tại, trên các diễn đàn ô tô, một số người dùng chia sẻ kinh nghiệm được đánh giá là giúp chống nắng cho xe rất hiệu quả. Theo đó, người dùng chỉ cần mua vài mét vật liệu cách nhiệt sau đó cắt và dán theo khuôn kính trước và sau xe. Lưu ý là bạn nên để dư một chút hai bên kẹp vào cánh cửa cho chắc chắn. Thực tế cho thấy có tới hơn 80% lượng nhiệt thẩm thấu vào xe qua kính lái và kính hậu nên chúng ta hãy tập trung che chắn khu vực này và hé một chút ở cửa sổ hai bên để khí nóng thoát ra ngoài.