Xăng được cung cấp theo tỷ lệ phù hợp với từng trạng thái làm việc; bướm ga cũng được mở tỷ lệ với khí hút và mức đạp chân ga tương ứng. Động cơ làm việc bình thường, sản sinh đủ công suất khi có đủ gió và xăng. Thiếu 1 trong 2 điều này động cơ xe sẽ bị yếu. Do đó, nếu động cơ phản ứng chậm hơn bình thường và có dấu hiệu hụt hơi khi bạn ấn mạnh chân ga thì có thể là do các nguyên nhân sau đây:
Những nguyên nhân khiến động cơ bị yếu
1. Lọc gió quá bẩn
Nếu bạn phải thường xuyên chạy xe trong môi trường nhiều bụi bẩn thì đây rất có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng yếu động cơ. Bụi bẩn cản trở không khí nạp vào buồng đốt vì thế cần vệ sinh lọc gió định kỳ từ 3 đến 6 tháng 1 lần.
2. Tắc lọc xăng
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất khi máy yếu, thậm chí động cơ có thể chết giữa đường. Tuy nhiên, dừng xe một thời gian bạn có thể khởi động lại được.
Tắc lọc xăng làm động cơ mất công suất hoặc chết máy giữa đường
3. Bơm xăng mòn hoặc bộ điều chỉnh áp suất rò rỉ
ECU dựa vào thời gian đóng mở kim phun để kiểm soát lượng xăng. Áp suất nhiên liệu trong hệ thống được duy trì ổn định trong khoảng 2.0-5.8 atm nhờ bơm xăng làm việc liên tục và bộ điều chỉnh. Áp suất thấp làm giảm lượng xăng cấp vào buồng đốt.
Tuổi thọ trung bình của bơm nhiên liệu lên đến 6 năm và rất khó hỏng, nhưng thường bị thay oan. Áp suất phun vẫn thấp khi thay lọc xăng do đó một số gara thường quy cho bơm bị lỗi và đưa ra quyết định thay mới. Trên thực tế, nguyên nhân thực sự đối với nhiều trường hợp lại là do bộ điều áp rò rỉ hoặc bị két, xăng hồi về bình chứa không tạo ra áp suất.
Lượng xăng vào buồng đốt vẫn có thể thấp hơn yêu cầu dù áp suất phun đảm bảo. Nguyên nhân có thể là do cảm biến lưu lượng không khí (MAF) hoặc cảm biến áp suất không khí tuyệt đối (MAP) phản ứng chậm, truyền sai tín hiệu, ECU điều khiển thời gian mở kim phun ngắn.
4. Điện cực bu-gi mòn
Quá trình cháy diễn ra hoàn hảo khi bu-gi tạo ra tia lửa điện khỏe và đúng thời điểm, đảm bảo áp suất cháy là lớn nhất khi pít-tông ở thời điểm chết trên. Khe hở giữa 2 điện cực lớn khi bu-gi mòn, hỗn hợp hòa khí cháy không hiệu quả làm giảm công suất. Theo đó, tùy theo khuyến cáo riêng của từng loại xe để điều chỉnh khe hở cho phù hợp.
5. Tỷ số nén thấp
Trên những xe ít thay dầu hoặc sử dụng lâu năm hay xảy ra vấn đề này. Trong kỳ cháy giãn nở, khí áp suất lọt qua khe hở giữa pít-tông và xi-lanh hoặc giữa xu-pap làm triệt tiêu áp suất nén vào pít-tông.
Bên cạnh đó, dầu có thể vào buồng đốt làm bẩn bu-gi trong những trường hợp nặng. Nếu xảy ra tình trạng này động cơ sẽ bị hư hỏng nặng, cần phải đại tu. Để xác định chính xác vấn đề này có thể kiểm tra bằng cách bơm khí nén vào buồng đốt qua cổng lắp bu-gi và đo mức sụt áp trong kỳ nén (tất cả các van của hệ thống phân phối khí đều nóng).
6. Tắc đường ống xả
Lượng khí độc thải ra môi trường được giảm bớt nhờ bộ chuyển đổi xúc tác. Tuy nhiên, khi sử dụng lâu ngày, nó lại là nguyên nhân gây tắc đường ống xả. Động cơ mất nhiều năng lượng hơn để đẩy khí thải ùn ứ trong đường ống ra ngoài. Áp suất xả lớn còn làm giảm lượng khí nạp dẫn tới hiện tượng tổn hao công suất.