Trước hết chúng ta cần nắm rõ việc động cơ hoạt động tốt là khi nó làm việc ở tần suất cao nhưng nhiệt lượng vẫn luôn được duy trì đúng quy định của nhà chế tạo. Thông thường, động cơ dùng xăng thì nhiệt độ động cơ được quy định là khoảng 80oC, động cơ dùng dầu (Diesel) là trên dưới 90 độ.
Nguyên lý duy trì nhiệt lượng động cơ
Việc duy trì nhiệt độ theo đúng quy định của nhà sản xuất là việc làm rất cần thiết. Bởi lẽ, với một với động cơ đốt trong, việc nhiên liệu được đốt cháy trong buồng đốt càng thì việc sinh công càng mạnh mẽ. Muốn vậy, bản thân động cơ, phải tích sẵn một nhiệt lượng tương đối để đảm bảo nhiên liệu trong buồng đốt luôn được sưởi ấm, sẵn sàng cho quá trình đốt cháy. Vậy nhưng nếu nhiệt lượng của động cơ quá cao sẽ dẫn đến hiện tượng nhiên liệu sẽ bốc cháy trước thời điểm cần thiết, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sinh công. Nếu nhiệt lượng này cao hơn nữa sẽ khiến cho các chi tiết làm bằng kim loại của động nở ra, ma sát sẽ tăng lên, gây bó cứng cho sự chuyển động lên xuống của pít - tông trong xi lanh, tay ven không quay tròn trên trục động cơ được. Đây chính là nguyên nhân gây đứng máy, rút ngắn tuổi thọ của động cơ.
Nhiệt lượng từng loại động cơ sử dụng các nhiên liệu khác nhau
Xăng là loại nhiên liệu rất dễ bốc cháy. Khi đưa vào buồng đốt, xăng được trộn đều với không khí . Hỗn hợp này lại được sự “tiếp tay” của nẹt lửa bugi nên rất dễ bùng cháy (nổ). Chính vì vậy, với loại động cơ dùng xăng chỉ cần đáp ứng một nhiệt lượng vừa phải, tuyệt đối không nên để nhiệt lượng động cơ cao vì như vậy sẽ xăng rất dễ kích nổ (nổ sớm).
Vốn dĩ đã là loại nhiên liệu chậm bốc cháy mà nguyên lý hoạt động của động cơ dầu lại là không dùng bugi nẹt lửa, pít - tông sẽ hút không khí từ bên ngoài vào xi lanh sau đó nén cho cực nóng (tỉ lệ thường >20/1) tại buồng đốt, rồi phun dầu trực tiếp vào đúng ngay thời điểm ấy để tạo ra sự bùng cháy. Do đó, động cơ Diesel cần nhiệt lượng lớn hơn động cơ xăng để hỗ trợ cho sự đốt cháy đó.
Giải nhiệt cho động cơ
Việt Nam thuộc xứ nhiệt đới. Do đó, việc cân bằng nhiệt lượng tối ưu giúp động cơ hoạt động tốt thường là vấn đề giải nhiệt cho động cơ chứ không phải là hâm nóng động cơ như ở xứ hàn đới.
Khi hoạt động ở tần suất cao, vòng quay động cơ mỗi phút có thể lên đến hàng ngàn vòng. Qúa trình cháy nổ liên tục diễn ra. Điều này đồng nghĩa với việc nhiệt độ liên tục được bồi tụ có khi lên đến hàng ngàn độ, nếu không được giải nhiệt tức thì, liên tục thì không có loại động cơ nào hoạt động bền bỉ được.
Trên thế giới hiện nay có 3 phương pháp giải nhiệt động cơ:
Hệ thống làm mát động cơ
- Giải nhiệt thuần túy bằng gió: Đây là phương pháp giải nhiệt tối ưu ở những nơi khan hiếm nước nh sa mạc.
Khi giải nhiệt bằng gió, xi – lanh và buồng đốt sẽ nhô lên khỏi thân máy, xung quanh chúng gắn rất nhiều lá tản nhiệt bằng kim loại. Ở phía trước động cơ, két làm mát dầu máy và tua – bin tạo ra gió cực mạnh. Gió từ tua – bin sẽ bị dẫn đi theo những đường đã định sẵn, liên tục thổi vào các tấm tỏa nhiệt, làm mát cho động cơ. Ưu điểm của hình thức này là đơn giản hóa việc chăm sóc hệ thống giải nhiệt. Tuy vậy, hạn chế của phương pháp này là tiếng ồn khá lớn. Hơn nữa, nhiệt động cơ sẽ theo gió tỏa ra một không gian rộng, ảnh hưởng đến những người xung quanh.
- Giải nhiệt thuần túy bằng nước: Phương pháp này thường được sử dụng cho những động cơ dùng nhiên liệu Diesel.
- Giải nhiệt bằng gió kết hợp với nước: Phương pháp giải nhiệt này rất phổ biến. Nó được sử dụng rộng rãi trên ô tô, tàu thuyền, máy phát điện, máy móc sản xuất, điện lạnh… hiện nay. Phương pháp này có ưu điểm là giúp nguồn nhiệt lượng động cơ ổn định, hoạt động tốt ở mọi tầng suất và không gây ra tiếng ồn quá lớn. Tuy vậy, phương pháp này có nhược điểm là hệ thống khá phức tạp, tinh vi đòi hỏi sự chăm sóc, bảo dưỡng tương đối kỹ càng và chuẩn quy cách.
Phòng tránh sự đứng máy
Việc theo dõi nhiệt độ động cơ là điều rất cần thiết. Do đó, không phải tự nhiên mà các nhà sản xuất ô tô lại thiết kế đồng hồ biểu thị nhiệt độ ở vị trí trước mặt tài xế. Nếu thấy chỉ số cao bất thường thì lái xe nên dừng xe kiểm tra quạt làm mát có chạy không. Nếu quạt làm mát vẫn hoạt động tốt thì có thể do cảm biến nhiệt bị liệt không gửi tín hiệu về trung tâm kích hoạt quạt chạy.
Dù bất cứ nguyên nhân nào dẫn đến việc chỉ số nhiêt lượng tăng cao đi nữa thì lái xe cũng nên tắt máy, đợi một thời gian cho máy bớt nóng rồi mới xử lý. Tuyệt đối lái xe không nên mở nắp két nước ra bổ sung thêm nước khi máy đang nóng vì như vậy hơi nước nóng có thể làm bạn bị bỏng và nước lạnh đột ngột có thể gây vỡ, lóc máy.
Dùng nước làm mát cho động cơ
Để giải nhiệt động cơ tốt, két nước được làm bằng kim loại có tính chất truyền nhiệt rất cao. Tuy nhiên, cần phải dát cho thật mỏng và phân chia đường nước thành nhiều ống nhỏ. Cần lưu ý rằng nước dùng để làm mát động cơ tuyệt đối không có chất gây kết tủa, lắng cặn, gây kết tinh như nước khoáng, những chất ăn mòn kim loại, chất clorua. Hiện nay, nước chuyên dùng làm mát động cơ được bán phổ biến trên thị trường. Loại nước này có chất chống đông nước khi nhiệt độ ngoài trời dưới 0 độ và chất chống sôi khi nhiệt độ lên quá cao.