1. Những yếu tố tàn phá màu sơn xe ô tô phổ biến nhất gồm:
- Tia cực tím (Ultra-Violet Rays): Tia cực tím là một thành phần có sẵn trong ánh nắng mặt trời nên dù có được trọng đãi tới đâu, mỗi ngày chiếc xe cũng chỉ có một vài tiếng đồng hồ ở trong garage, phần lớn thời gian là trơ thân ngoài trời, trải sương và đội nắng. Sương có muối và nắng có tia cực tím. Đó là những yếu tố tàn phá thực kinh khủng với vẻ óng ả của xe.
- Bùn đất, phân chim, các chất ô nhiễm và chất hóa học trong khí trời… là những phần tử li ti, cực bé, mắt thường nhìn không thấy song tích lũy lâu ngày vẫn đủ làm cho “da” xe nhăn nheo, vỡ vụn.
- Những thứ nước thường dùng để lau xe có thể làm hao mòn lớp biểu bì bảo vệ sơn. Nếu không có con mắt tinh đời kén chọn hoặc không biết sử dụng đúng mức, chúng ta có thể vô tình mua nhầm những thứ nước rửa thúc đẩy tiến trình “lão hóa” làm sơn phai màu một cách nhanh chóng.
2. Cách phương pháp kéo dài "tuổi xuân" cho sơn xe ô tô
Sau khi xác định được những yếu tố tàn phá sơn xe ô tô, việc tìm ra biện pháp đối phó hữu hiệu không phải là chuyện khó.
2. 1. Tận dụng bóng râm
Theo các chuyên gia kinh nghiệm về ô tô, nên tránh tối đa ánh nắng mặt trời bằng cách tận dụng garage để đậu xe. Đây là biện pháp khó nhất. Thực tế, mang tiếng là nhà để xe nhưng garage nhiều khi được sử dụng cho các mục đích khác quan trọng hơn.
Trong trường hợp này, kiếm một chỗ có bóng râm cho xe yên vị trong lúc trời nắng gắt là giải pháp tối ưu. Tốt nhất là bóng râm bên cạnh một tòa cao ốc nào đó. Hãy coi chừng bóng râm bên dưới những hàng cây. Lúc này, chiếc xe có thể biến thành trận địa để chim chóc trên cây thả “bom”.
2.2 Năng rửa xe ô tô
Đối với xe ít dùng và phải đậu lâu ngày ngoài trời nên “trùm mền” lại. Mền nên là loại có khả năng chống tia cực tím (anti- ultraviolet hoặc ultraviolet protection).
Nên rửa xe ít nhất một tháng một lần để chống các thứ hóa chất trong khí trời, như muối (sương muối, hoặc muối rải trên đường làm tan nhanh băng tuyết), phân chim, chất vôi và các thứ hỗn tạp khác. Đừng bao giờ nghĩ rằng xe đậu trong garage không cần “tắm rửa”. Những thứ hóa chất đọng lại lâu ngày nếu không được thanh tẩy sẽ từ từ ăn mòn lớp áo bảo vệ bên ngoài màu sơn.
Ở nhiều khu vực mùa đông lạnh, đây là thời gian đường sá thường được rải muối để tan băng, việc rửa xe càng cần thường xuyên hơn. Hơn thế nữa, xe có sạch thì những chất ẩm bám vào “body” sẽ chóng khô, không kịp giờ để gây rỉ sét làm hại “da” xe.
2.3. Tránh dùng các hóa chất ăn mòn khi đánh bóng
Nhiều người vẫn nghĩ, ai lại dại dột vẩy các hóa chất có tính ăn mòn lên lớp sơn trên thân xe. Tuy nhiên, đây lại là điều đa số chủ xe vấp phải khi chủ tâm làm đẹp bằng cách đánh bóng (polish). Thành phần cấu tạo trong nhiều loại chất đánh bóng có pha thêm Abrasive (chất cạo, ăn mòn). Chất này có tác dụng tẩy bớt bụi dơ ra khỏi lớp áo sơn, trước khi hạ bút, tô vào những nét sơn mới.
Thực tế, trong khi thanh tẩy bụi dơ, abrasive cũng phần nào chà bớt tầng áo bảo vệ sơn, khiến sơn trở nên yêu ớt và dễ bị tấn công bởi những thứ hóa chất khác. Do vậy, khi dùng chất Polish cần phải cẩn thận đọc lại thành phần cấu tạo xem tỷ lệ Abrasive như thế nào. Nếu không thể tìm được thứ dầu bóng không có Abrasive tốt nhất không nên đánh bóng.
2.4. Ðánh bóng bằng Wax
Theo các nhà chăm sóc và bảo dưỡng ô tô, Wax có vẻ như lợi thế hơn Polish. Trong khi Polish đánh bóng bằng cách làm mòn mặt ngoài để lộ ra một mặt sơn sạch sẽ bên dưới, Wax lại thêm lớp “áo” mới bên trên bề mặt cũ. Tuy nhiên, nhiều người thấy vậy thường overwax, có nghĩa là làm quá tay, khiến wax tích lũy quá dầy. Qua thời gian “lớp da” trên “body” xe không còn được tự nhiên nữa.