Tìm hiểu tầm quan trọng của đèn biểu tượng động cơ

Tìm hiểu tầm quan trọng của đèn biểu tượng động cơ

Đèn biểu tượng trên bảng tablo thể hiện tình trạng của xe

Theo chia sẻ của kỹ thuật viên hãng xe Ford thì các đèn trên xe đều sẽ bật sáng khi mở khóa điện nhưng khi nổ máy thì các đèn này phải tắt hết. Nếu một trong các đèn vẫn sáng khi động cơ hoạt động thì chắc chắn bộ phận tương ứng đang gặp vấn đề. Việc lái xe cần làm khi đèn check engine sáng là cần nhanh chóng đưa xe đi kiểm tra ngay lập tức.

Trong trường hợp, động cơ xe gặp lỗi nhẹ thì xe vẫn vận hành được. Tuy vậy, nếu không được sửa chữa kịp thời thì lỗi này sẽ trở nên nặng hơn. Khi đó, động cơ sẽ trở về hoạt động ở chế độ mặc định với tốc độ tối đa là 40 km/h. Lúc này, chủ sở hữu xe không nên chần chừ mà cần mang xe đi kiểm tra và sửa chữa ngay lập tức.

Động cơ vẫn được ví như “trái tim” của xe. Chính vì vậy, đèn biểu tượng động cơ (check engine) có vai trò vô cùng quan trọng. Đèn biểu tượng động cơ sáng thường là do hệ thống điều khiển gặp sự cố như lỏng giắc cắm điện, cảm biến ô-xy lỗi, nắp bình nhiên liệu chưa vặn chặt, lỗi hệ thống đánh lửa, bình ắc quy yếu hay cảm biến lưu lượng khí hoạt động không bình thường...

Sau khi kiểm tra các nguyên nhân thông thường đó mà đèn động cơ vẫn sáng thì nguyên nhân có thể là do bơm xăng yếu. Bơm xăng yếu sẽ khiến cho áp lực phun không đủ, xe bị giật khi di chuyển, vòng tua máy không đủ. Trường hợp này, chủ xe cần thay mới bơm xăng. Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác khiến đèn động cơ sáng là vấn đề cảm biến chân ga, bơm yếu dần, cảm biến khí xả bẩn hoặc chuột cắn dây cảm biến khiến cho hệ thống không nhận được tín hiệu.

Trong trường hợp này, người dùng không nên tự khắc phục lỗi bằng cách tháo nguồn điện vì sẽ rất nguy hiểm nhất là với người thiếu kinh nghiệm đồng thời lại không giải quyết được gốc dễ vấn đề.