Film dán cách nhiệt cho xe hơi là gì?

Film dán cách nhiệt cho xe hơi là gì?
Vì sao phải dùng film cách nhiệt?

Đỗ xe dưới trời nắng nóng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho xe

Các nhà sản xuất xe hơi hiện nay hầu hết đều sử dụng kính trắng cho kính lái và các khu vực khác trên xe. Ưu điểm của loại kính này là chắn gió, mưa và quan sát tốt bên ngoài nhưng khả năng chống nắng rất kém, không ngăn được tia hồng ngoại, tia cực tím có trong ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, loại kính này còn giòn và rất dễ vỡ khi có va chạm xảy ra. Bên cạnh đó, với rất nhiều người, kính trắng còn khiến họ cảm thấy khó chịu vì những ánh mắt tò mò của những người khác nhìn vào. Do đó, film cách nhiệt ra đời để khắc phục những nhược điểm của kính trắng, giúp người sử dụng thoải mái hơn. Film cách nhiệt có những ưu điểm:

- Loại bỏ tia cực tím gây hại cho da và cơ thể con người.

- Loại bỏ sức nóng mặt trời, tạo môi trường thoáng mát, nhất là trong điều kiện thời tiết nóng bức mùa hè.

- Bảo vệ, tăng tuổi thọ của chi tiết, vật dụng bên trong xe, hạn chế việc rạn nứt, bong tróc hay nhạt màu vì ánh nắng mặt trời.

- Giúp lái xe không bị chói mắt.

- Bảo vệ, tăng sự an toàn cho lái xe trong trường hợp kính bị vỡ.

Cấu tạo và Thông số kỹ thuật đáng chú ý của film cách nhiệt

Để sản xuất film cách nhiệt, những nhà sản xuất phải sử dụng 4 công nghệ chính là công nghệ nhuộm màu, tráng phủ kim loại, phun xạ và công nghệ lai. Các film cách nhiệt hiện nay hầu hết đều sử dụng công nghệ tráng phủ kim loại (coating film). Đây là công nghệ tạo lên film có chất lượng tương đối tốt và giá thành hợp lý. Film cách nhiệt sử dụng công nghệ này thường có độ phản xạ gương lớn, màng film dầy và khả năng chống nóng tốt dựa vào cơ chế phản xạ và hấp thụ nhiệt lượng.

Mặc dù các nhà sản xuất film cách nhiệt đều sử dụng cách tráng chất hấp thụ tia tử ngoại và hồng ngoại lên bề mặt nhựa Polyester nhưng mỗi đơn vị lại có một phương pháp tráng và cơ chế hấp thụ riêng. Dù sử dụng phương pháp nào đi nữa thì sản phẩm cuối cùng cũng phải đảm bảo các thông số như độ xuyên sáng (còn gọi là tỷ lệ truyền sáng), tỷ lệ cách nhiệt (tỉ lệ hấp thụ tia hồng ngoại) và khả năng hấp thụ tia tử ngoại. Bên cạnh đó, các film cách nhiệt còn đảm bảo các tiêu chí đánh giá về độ phản chiếu, độ chống xước, cản tia cực tím…

Film lai gồm lớp mạ kim loại và lớp nhuộm màu

Thông số kỹ thuật đáng chú ý của film cách nhiệt:

- Khả năng hấp thụ nhiệt: Đây là thông số đặc trưng cho tổng số nhiệt lượng hoặc ánh sáng bị giữ lại trên mặt film. Để cảm nhận khả năng hấp thụ nhiệt, chúng ta có thể chạm tay lên kính, nếu film hấp thụ nhiệt nhiều thì kính sẽ rất nóng.

- Độ xuyên sáng (VLT): Là thông số đại diện cho lượng ánh sánh có thể đi qua hệ thống kính. Thông số này thường được tính bằng %. Film có VLT thấp thì hiệu quả chống chói cao hơn. Trong khi đó, những loại film có VLT cao lại sẽ giữ được ánh sáng tự nhiên.

- Độ phản quang (VLR): Là thông số đại diện cho lượng ánh sáng bị hệ thống kính phản xạ lại. Thông số này cũng thường được tính bằng %. Những film có VLR cao thì hiệu quả chống chói sẽ cao hơn.

- Khả năng lọc tia tử ngoại (UV): Tia tử ngoại là loại tia không nhìn thấy được, có bước sóng quá ngắn. Tia tử ngoại được chia thành 3 loại UV-A, UV-B và UV-C. Trong đó, UV-B làm da cháy nắng. Nếu tiếp xúc với UV-B nhiều, con người sẽ có nguy cơ bị ung thư da. Chính vì vậy, film dán kính cần ngăn chặn gần như 100% tia tử ngoại đi qua.

- Khả năng phản xạ năng lượng mặt trời: Là thông số đại diện cho khả năng loại bỏ năng lượng mặt trời dưới dạng ánh sáng nhìn thấy, bức xạ hồng ngoại và tia tử ngoại. Nếu film có chỉ số TSER cao tức là nhiều năng lượng sẽ bị film loại bỏ hơn.

- Thành phần mặt trời truyền qua: là tổng mức năng lượng mặt trời có thể đi qua kính và thường được tính bằng %. Khi ánh nắng chiếu vào kính thì năng lượng có thể đi qua tấm kính, có thể bị kính hấp thụ hoặc phản xạ lại. Film dán cách nhiệt làm thay đổi lượng truyền qua, cho biết tổng mức năng lượng có thể đi qua kính và film.

Cách chọn mua film cách nhiệt tốt

Trước khi mua film cách nhiệt, bạn cần xác định rõ mục đích mua film của mình để làm gì

Trước khi quyết định mua film cách nhiệt, người tiêu dùng cần xác định rõ mục đích mua film của mình để làm gì. Thông thường, các nhà sản xuất film cách nhiệt vẫn sản xuất từng phần nhỏ như kính lái, kính hông, kính sau. Trong đó, kính lái có vai trò rất quan trọng vì đây là nơi chịu tác động nhiều nhất của ánh sáng mặt trời nên dễ tạo cảm giác khó chịu cho lái xe và những người ngồi trên xe. Do đó, film dán cho kính lái phải là film có chất lượng tốt, luôn đảm bảo tầm nhìn cho người lái xe. Ngoài ra, bạn cần lưu ý, khi chọn film cách nhiệt cho kính lái, bạn nên lựa chọn sản phẩm của những hãng có uy tín yêu cầu chất lượng film kính lái rất cao về độ trong suốt(>60%) cũng như độ phản quang(<10%).>

Việc lựa chọn film cách nhiệt cho kính hông và kính hậu có phần nhẹ nhàng hơn nhưng bạn cũng không nên coi nhẹ. Do đó, bạn nên chọn những loại film có chất lượng tốt để đảm bảo lượng nhiệt trên xe luôn cân bằng. Nhiều người lựa chọn film cách nhiệt dùng để dán ở hông và sau xe có màu sậm để tăng khả năng chống chói mắt và có không gian riêng tư cho người ngồi trong xe. 

Lưu ý khi sử dụng film cách nhiệt

Bên cạnh một số hãng film cách nhiệt có uy tín như Vkool, 3M, FSK, Rabon, Llumar, Classic... thì trên thị trường hiện nay còn xuất hiện một số sản phẩm film cách nhiệt giả, nhái, kém chất lượng. Đa phần film cách nhiệt nhái thường là những film kém chất lượng được mang đi nhuộm màu cho giống sản phẩm thật nên khi lắp vào xe, người dùng sẽ không có được cảm giác như mong đợi.

Film cách nhiệt cho ô tô có tác dụng nhất là khi xe đang chạy dưới trời nắng nóng. Do tính cách nhiệt cao nên nó sẽ cản nhiệt nóng ở bên ngoài xâm nhập vào xe và giữ không khí lạnh trong xe không bị thoát ra ngoài, mang lại cảm giác mát mẻ, dễ chịu cho người ngồi trong xe.

Khi đỗ xe dưới trời nắng, bạn nên hạ kính xuống một chút để xe không bị "om" nhiệt. Nếu phải đỗ xe lâu dưới trời nắng nóng, trước khi khởi động lại xe, bạn nên hạ hết các cửa kính, bật quạt thổi gió và cho xe di chuyển chừng 20 m để các khí nóng thoát hết ra ngoài rồi mới kéo kính lên và bật máy lạnh.