Một số vấn đề liên quan đến triệu hồi xe

Một số vấn đề liên quan đến triệu hồi xe

Tình trạng triệu hồi xe đang trở nên rất phổ biến

Tình trạng triệu hồi xe hơi ngày càng trở nên phổ biến trong một vài năm trở lại đây. Những đợt triệu hồi “rầm rộ” và chưa có dấu hiệu dừng lại của GM hay Toyota khiến người tiêu dùng không khỏi lo ngại về các vấn đề an toàn. Hãy chủ động tìm hiểu để nắm được các quyền lợi của mình để không bỡ ngỡ nếu một ngày nào đó, bạn nhận được thông báo triệu hồi xe từ nhà sản xuất. 

Triệu hồi xe- Có nên lo lắng?

Thông thường, triệu hồi xe xảy ra khi chiếc xe (hoặc một vài chi tiết của xe) không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn hoặc bị phát hiện có khiếm khuyết. Một số hãng sản xuất phát hiện ra vấn đề và tự nguyện triệu hồi hoặc bắt buộc phải triệu hồi theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Trong phần lớn các trường hợp, triệu hồi xe chỉ mang tính chất phòng xa. Tỉ lệ rủi ro để xe bạn gặp trục trặc do các vấn đề mà nhà sản xuất nêu ra là rất thấp. Do vậy, nếu bạn nhận được thông báo ô tô của mình là đối tượng của đợt triệu hồi tiếp theo, việc quan tâm, tìm hiểu là cần thiết, nhưng đừng quá lo lắng. 

Làm gì khi xe bị triệu hồi? 

Hãng sản xuất sẽ gửi thư thông báo cho bạn về đợt triệu hồi. Nếu bạn nghe được thông tin triệu hồi nhưng không nhận được thông báo này, hãy chủ động liên hệ với đại lý địa phương hoặc kiểm tra trang web của nhà sản xuất. Một số trang web tổng hợp chi tiết các đợt triệu hồi xe khá hữu ích, điển hình như trang của Ủy ban an toàn giao thông Mỹ tại địa chỉ: http://www.nhtsa.gov/Vehicle+Safety/Recalls+&+Defects 
Tại đây, bạn có thể tìm kiếm thông tin bằng cách nhập số nhận dạng xe của bạn (số VIN) để kiểm tra xem “xế cưng” của bạn có thuộc diện triệu hồi hay không. 

Triệu hồi xe có mất phí không?

Thông thường các hãng xe sẽ khắc phục miễn phí các lỗi liên quan đến triệu hồi

Thông thường, nếu phát hiện lỗi trong vòng 10 năm kể từ khi xe được bán ra, hãng sản xuất có trách nhiệm phải triệu hồi và sửa chữa miễn phí. Nếu họ cố tình thu tiền ở bất kỳ khâu nào trong quá trình sửa chữa, hãy từ chối và thông báo cho cơ quan bảo vệ người tiêu dùng và cơ quan truyền thông để bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên, một số đại lý có thể lợi dụng cơ hội này để “gợi ý” người dùng thay thế, chỉnh sửa, nâng cấp không liên quan đến việc triệu hồi. Hãy tỉnh táo để quyết định xem “xế cưng” của mình có thực sự cần những chỉnh sửa đó hay không.

Triệu hồi xe có mất nhiều thời gian không?

Sau khi yêu cầu triệu hồi, luật sẽ gia hạn cho các hãng sản xuất một khoảng thời gian để hành động. Lúc này, người dùng chỉ có thể kiên nhẫn chờ đợi. Tùy thuộc vào quy mô của đợt triệu hồi, độ phức tạp của lỗi, thời gian triệu hồi có thể dài ngắn khác nhau. Thông thường, đại lý địa phương sẽ chịu trách nhiệm sửa chữa miễn phí cho bạn, nhưng họ sẽ không bắt đầu nếu chưa có thông báo chính thức từ hãng sản xuất. 

Giá trị xe có bị giảm sau triệu hồi?

Thông thường, một chiếc xe bị coi là “đã qua sửa chữa” có thể sẽ bị mất giá đôi chút. Tuy nhiên, nếu bạn đảm bảo các linh kiện được thay thế trong đợt triệu hồi là chính hãng, giá trị của xe sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.
Không hài lòng với việc triệu hồi, phải làm sao?

Quy trình triệu hồi xe được quy định bởi hãng sản xuất. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hiệu quả khắc phục lỗi có thể không được như mong muốn. Hãy phản ánh với đại lý thực hiện sửa chữa để sớm tìm ra giải pháp. Nếu vẫn không hài lòng, bạn có thể gửi thư phàn nàn đến nhà sản xuất hoặc thông báo cho các cơ quan truyền thông, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng.